Một chiều đói việc, người viết đi “khảo sát thị trường” xem ông cố jQuery sắp chết chưa. Tham khảo rất nhiều bài viết chia sẻ quan điểm và cả issue trên github của jQuery, người viết bắt gặp một khái niệm có tên “cognitive bias” khi có một vài dev Q mắng một vài dev R và dev A rằng “các ông thành kiến với jQuery quá”, đại loại như vậy. Vốn là một con người ham vui và hay bị cuốn theo các thuật ngữ mới và link tham khảo, người viết google và viết bài này nhằm ghi chép cho kết quả tìm kiếm đó. Cảm nhận về “cognitive bias” khi hiểu sơ sơ là “ồ, hóa ra anh em mình ở chung nhà cả đôi chục năm rồi, mà giờ tôi mới biết tên ông/các bạn.”
Thiên kiến nhận thức là gì#
Thiên kiến nhận thức - Cognitive bias - là một khái niệm tổng quát ám chỉ những cách thức mà trong đó ngữ cảnh và cách diễn đạt thông tin tác động một cách có hệ thống đến các óc phán xét và ra quyết định của cá nhân. Thiên kiến nhận thức (TKNT) được chia làm nhiều loại và có ảnh hướng khác nhau đến chủ thể sở hữu, song đều có đặc tính chung là khi kết hợp với bản ngã đặc trưng của từng con người, chúng lái kết quả phán xét và ra quyết định xa rời khỏi sự thật khách quan.
Ở một số trường hợp, TKNT giúp tư duy và ra quyết định nhanh và hiệu quả. Nguyên nhân là vì ta không dành thời gian để cân nhắc tất cả các thông tin mình có, mà chỉ dựa vào những thông tin có ý nghĩa với ta hơn. Tuy vậy, như con dao hai lưỡi, chính cách xử lý này lại dẫn đến sai lầm trong rất nhiều trường hợp khác. Một ví dụ đó là hiện tượng thiên kiến xác nhận - confirmation bias, trong đó con người có xu hướng tiếp nhận những thông tin mà củng cố và đào sâu thêm niềm tin đã tồn tại từ trước trong họ. Danh thủ bóng đá Dennis Bergkamp được mệnh danh là “người Hà Lan không bay” vì mắc chứng sợ bay (Aviophobia). Trong thời gian chơi cho Arsenal, anh này bỏ lỡ rất nhiều trận quan trọng khi Arsenal chơi trên sân khách vì không thể bay cùng đội. Với Bergkamp, một vài mẩu tin về tai nạn hàng không lại đáng nhớ hơn nhiều so với thống kê vài chục triệu chuyến bay an toàn được thực hiện mỗi năm. Bất chấp sự thật rằng máy bay là phương tiện nhanh nhất và an toàn nhất, với những người như Bergkamp, hàng không luôn là một canh bạc năm ăn năm thua, kể cả nếu họ không hề biết thêm bất cứ sự cố nào trên bầu trời nào trong nhiều năm sau đó.
Những Judas tư duy điển hình#
Không ít người trong chúng ta tự tin rằng mình sống hoàn toàn lý trí và khách quan. Nhưng tin buồn là dạng “siêu nhân” đó không tồn tại. Trong đa số thời điểm, con người bị ảnh hưởng bởi ít nhất một dạng TKNT nào đó. Do sự tập trung thần kinh là một năng lực hữu hạn, con người không thể đánh giá đầy đủ từng mẩu thông tin để hình thành nên suy nghĩ và quan điểm cá nhân. Vì lẽ đó mà một cách tự nhiên, luồng tư duy luôn có chỗ để TKNT xen vào, giúp tạo ra kết quả tư duy nhanh hơn: đó là cách ta nghĩ, cách ta hành xử, cách ta phản ứng trong cuộc sống. Chúng ta thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của TKNT. Wikipedia có liệt kê một danh sách chưa đầy đủ, dài dằng dặc về TKNT, người viết đã tìm được rất nhiều bạn nối khố ở đó, khuyến nghị các bạn vào tìm thử ( ͡° ͜ʖ ͡°). Sau đây xin đề cập đến một số “Judas tư duy” nổi bật.
Thiên kiến Xác nhận • Confirmation bias#
Không phải ngẫu nhiên mà ví dụ sợ bay của Dennis Bergkamp được đưa ra để làm quen với khái niệm mới: Thiên kiến xác nhận (TKXN) là ông tổ của mọi loại thiên kiến: kể cả bạn có tự thấy mình rất lý trí và khách quan, chúng ta dù ít dù nhiều đều “thiên vị” cho những gì chúng ta tin. TKXN dẫn dắt cá nhân chỉ lọc lấy những gì họ muốn đọc, muốn nghe, muốn xem để củng cố thêm đức tin hoặc định kiến đã tồn tại, bỏ lại sau lưng những luận điểm hay bằng chứng có xu hướng đi ngược lại niềm tin của bản thân. Quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, đôi khi dẫn đến sự giam hãm con người bởi chính những giả thuyết trong đầu họ. Một cô gái khá ưa nhìn, vì hay so sánh bản thân với các người mẫu trên tạp chí thời trang, lại trở nên mặc cảm và tự ti vào ngoại hình của mình. Cô ta thường xuyên để ý đến những cử chỉ, ánh nhìn của người xung quanh và hay suy diễn theo chiều hướng dư luận đang chê bai ngoại hình của mình!
Thời còn là sinh viên, mỗi khi buồn ngủ khi ngồi học, người viết hay lấy giấy tập viết bằng tay trái. Ở một hành tinh mà 90% dân số dùng tay phải là chính, những người thuận tay trái là “của hiếm” và, như hoàn cảnh của những thiểu số khác, phải chịu đựng nhiều định kiến xã hội. Các thiết kế đồ vật mặc định dành cho người dùng thuận tay phải. Những ông bố bà mẹ ép con cái chuyển sang viết tay phải khi có dấu hiệu thuận tay trái. Trong lịch sử văn hóa của nhiều nước, người thuận tay trái thường là hiện thân của quỷ dữ và mang đến điều xui xẻo.
Ở cán cân bên kia, người thuận tay trái được tin là thông minh hơn người thuận tay phải. Phe ủng hộ quan niệm này đưa ra dẫn chứng về Bill Gates và Nikola Tesla, đồng thời trầm trồ mỗi khi biết thêm một thông tin về ai đó thuận tay trái và tài năng, như huyền thoại Marvel Comics là Stan Lee hay Leonardo Da Vinci (ông này thuận cả hai tay). Qua đó, họ càng tin rằng điều này đúng mà không biết rằng nếu bạn kể được 1 nhân vật tài năng thuận tay trái thì ai đó cũng có thể liệt kê ra 10 con người thuận tay phải khác cũng rất xuất chúng. Nhận định này là có cơ sở, khi một nghiên cứu vào năm 2018 trên hơn 20000 người đã cho kết quả là không có sự chênh lệch IQ trung bình của người thuận tay phải và không thuận tay phải (thuận tay trái, tay thuận luân phiên, hoặc thuận cả hai tay). Nếu bạn là người có TKXN về trí thông minh vượt trội của người thuận tay trái, bạn có thể sẽ không click vào link trên (¬‿¬).
Thiên kiến Mỏ neo • Anchoring Bias#
Trừ phi bạn là một người sống bằng trực giác, hoặc bạn bị ảnh hưởng quá nặng bởi TKXN, còn không bạn sẽ cần một lượng thông tin để làm cơ sở mỗi khi phải ra quyết định đúng không nào? Các nhà tâm lý học đã chứng minh kết quả ra quyết định của con người bị tác động mạnh mẽ bởi thông tin đầu tiên mà họ có được. Thông tin này đóng vai trò như một cái neo, cột lấy con tàu logic của bạn, và nếu quyết định đưa ra là hòn đảo để con tàu này cập bến, thì nó sẽ nằm không xa khỏi cái mỏ neo đã thả xuống. Hiện tượng này được gọi là Thiên kiến Mỏ neo (TKMN), hay Hiệu ứng Mỏ neo.
Một thí nghiệm được thực hiện vào năm 1997, trong đó người tham gia được chia làm hai nhóm. Câu hỏi đặt ra đều về tuổi thọ của Mahatma Gandhi, nhưng với nhóm 1 là Gandhi chết trước hay sau 9 tuổi, còn nhóm 2 là trước hay sau 140 tuổi. Kết quả thu được về tuổi thọ trung bình của Gandhi của lần lượt từng nhóm nhóm là 50 và 67. Cái neo thông tin trong hai câu hỏi rõ ràng phải chịu trách nhiệm cho sự chênh lệch đáng kể này.
Áp dụng TKMN, trong buổi phỏng vấn tuyển dụng, người đưa ra gợi ý đầu tiên về mức lương bổng sẽ làm chủ cuộc chơi. Suy rộng ra trong các cuộc thương lượng, con số đầu tiên được đưa ra sẽ làm điểm neo cho mọi “kì kèo ngã giá” diễn ra sau đó. Đặc trưng nghề nghiệp cũng góp phần vào mức độ tác động của TKMN. Chẳng hạn, nghề bác sỹ dễ sa đà vào loại thiên kiến này: ấn tượng đầu tiên về ngoại hình và thông tin triệu chứng sẽ được ghi nhớ kỹ hơn và có thể làm làm chệch hướng những chẩn đoán tiếp theo nếu dựa vào điểm neo đó. Vì thế bác sỹ, y sĩ phải kết hợp cả hỏi bệnh lẫn theo dõi bệnh án nếu có để có thông tin đầy đủ và ngăn ngừa mỏ neo tác động.
Hiệu ứng Lỗi trí nhớ • Misinformation Effect#
Ký ức về một sự kiện xác định có thể bị những thứ diễn ra SAU SỰ KIỆN đó sửa đổi, đặc biệt trong những trường hợp xuất hiện thông tin nhiễu, dù rất nhỏ. Hiện tượng này được biết đến với tên gọi Hiệu ứng Lỗi trí nhớ.
Một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất về hiệu ứng này là của Elizabeth Loftus và cộng sự. Những người tham gia được xem một đoạn video về một vụ tại nạn giao thông. Sau đó họ được hỏi một trong hai câu hỏi:
Hai chiếc xe đi với tốc độ bao nhiêu khi chúng va chạm với nhau?
Hai chiếc xe đi với tốc độ bao nhiêu khi chúng bị đâm nát?
Một tuần sau, họ được hỏi lại 2 câu hỏi này. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng sự khác nhau không nhiều giữa hai câu hỏi thực tế lại gợi ra những thứ mà các nhân chứng không hề nhìn thấy: người được hỏi câu số (2) có xu hướng cho rằng họ đã nhìn thấy kính vỡ khi các xe bị đâm nát, điều không hề xuất hiện trong video.
Thiên kiến Trong cuộc - Ngoài cuộc • Actor - Observer Bias#
Cách mà con người đánh giá về sự vật hiện tượng bị ảnh hưởng cực mạnh từ điểm nhìn của người đó: là chủ thể của hành động (actor) hay người quan sát (observer) hành động. Nếu ta là người trực tiếp thực hiện, ta thường đánh giá nhân tố ảnh hưởng đến kết quả xuất phát từ các yếu tố khách quan. Tại sao thi trượt? Do đề khó, do cô giáo dạy không hay, do …đen, vân vân. Một người bạn đại học của người viết hay nói mỗi khi nhận điểm kém “Tao có thèm học đâu, chứ tao mà học thì …”, nghe có vẻ chủ quan nhưng thực ra chính là đổ lỗi cho việc môn học đó không đáng học, không quan trọng, tức là với anh ta nguyên nhân gốc là khách quan.
Thế nhưng, khi cần diễn giải hành động của người khác, vẫn là ta, lại có xu hướng kết luận các tác nhân tác động xuất phát từ bên trong chủ thể hành động. Một người thoạt nhìn không vạm vỡ vì anh ta lười vận động, thiếu rèn luyện, ăn uống lung tung. Một đứa trẻ chạy nhảy cười đùa ở nơi công cộng là vô ý thức, hư đốn, thiếu giáo dục. Hay với anh bạn đại học của người viết, vẫn đề thi đó, nhận xét một người khác trượt như anh ta rằng: “Đó, học nhiều hơn tao nhưng có tý thông minh nào đâu, cũng trượt như tao thôi!”
Hiệu ứng Ảo tưởng Đồng thuận • False Consensus Effect#
Ngẫm lại một chút, trong các cuộc thảo luận, bạn đã bao giờ thể hiện ý kiến cá nhân và nhận được sự ủng hộ tích cực từ tập thể chưa? Nếu câu trả lời là có thì mức độ ủng hộ như thế nào? Rầm rộ, nhiệt thành, nhất trí cao phải không? Hiệu ứng Ảo tưởng Đồng thuận nói rằng con người đôi lúc đánh giá quá cao về sự tán đồng của người khác với thái độ, hành vi và niềm tin của mình. Điều này có thể dẫn đến những ảo tưởng về giá trị ý kiến của bản thân.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có một số nguyên nhân dẫn đến hiệu ứng này. Thứ nhất, con người dành phần lớn thời gian của mình cho gia đình và bạn bè. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nhóm an toàn này thường có chung quan điểm và niềm tin, khiến con người nghĩ rằng ý kiến của mình luôn được ủng hộ, kể cả khi người đó ở trong những nhóm khác không phải nhóm an toàn trên. Hai là, tin vào sự đồng thuận từ những người xung quanh giúp con người tự tin hơn: ta cảm thấy như một “người bình thường” và duy trì được những hình ảnh tốt đẹp trong mắt mọi người.
Hiệu ứng Hào quang • Halo Effect#
Ngạn ngữ phương Tây có câu “Don’t judge a book by its cover”, song các nhà khoa học lại phát hiện rằng ấn tượng đầu tiên về một người có ảnh hưởng chi phối đến cách ta nghĩ đến những khả năng khác của người đó. Sinh viên có cảm giác rằng những thầy cô nào ưa nhìn thì thông minh hơn, giỏi giang hơn. Ngược lại, các giáo viên đôi lúc cũng thấy thiện cảm và đánh giá tốt hơn những sinh viên có ngoại hình bắt mắt. Ứng viên đi xin việc có “trang bìa” hấp dẫn dễ tạo cảm giác cạnh tranh hơn, năng lực tốt hơn.
Hiệu ứng Hào quang rất quyền lực và ta có thể bắt gặp nó mọi lúc mọi nơi. Khi xem quảng cáo, 2 sản phẩm, một được giới thiệu bởi những KOL xinh đẹp, quyến rũ, nói năng ngọt ngào, sản phẩm còn lại được giới thiệu bởi chính giám đốc nhãn hàng với vẻ ngoài nghiêm nghị, lời thoại đều đều và không có gì đáng nhớ. Bạn sẽ đánh giá tốt về sản phẩm nào hơn?
Suy nghiệm Khả dĩ • Availability Heuristic#
Suy nghiệm - Heuristic - là những lối tắt tư duy cho phép chúng ta đưa ra cách giải quyết vấn đề nhanh và hiệu quả. Suy nghiệm rất hữu ích trong điều kiện thông tin và thời gian ra quyết định, song (nên?) trong không ít trường hợp lại là mồi lửa nhen nhóm cho thiên kiến nhận thức và tạo ra những quyết định không chính xác.
Suy nghiệm Khả dĩ nói rằng bạn ước lượng xác suất xảy ra của một hiện tượng dựa trên số lượng ví dụ thực tế xảy đến với bạn, hoặc hình ảnh gần nhất về hiện tượng đó hiện ra trong đầu bạn. Một người hút thuốc chưa từng tận mắt thấy ai đó chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ xem nhẹ tác hại của việc hút thuốc. Ở một thái cực khác, nếu bạn có hàng xóm, người thân đang chống chọi với bệnh hiểm nghèo như ung thư chẳng hạn, bạn sẽ tin rằng ung thư đang phổ biến hơn nhiều so với số liệu thống kê đọc được. Trong khi nhâm nhi cà phê sáng, bạn đọc được tin về người thắng xố số 100 tỷ và tin rằng jackpot dễ ăn hơn mình tưởng. Kết quả là trong 1 tháng sau đó bạn đều đặn mỗi chiều bỏ tiền mua Vietlott, thất vọng, ngừng mua, cho đến khi đọc được bài báo về người trúng tiếp theo, lần này là 150 tỷ!?.
Thiên kiến Chủ nghĩa Lạc quan • Optimism Bias#
Đây là một dạng thiên kiến bắt nguồn từ suy nghiệm khả dĩ phía trên. Những gì diễn ra tính đến hiện tại đôi khi khiến chúng ta lạc quan quá mức: ta thừa sự tin tưởng về những điều tốt đẹp sẽ tới và phớt lờ những điều tiêu cực có thể diễn ra. Ta mặc định rằng những sự kiện kiểu như li hôn, mất việc, bệnh tật, tai nạn “chắc nó trừ mình ra”. Đâu có gì xấu nhỉ? Có đấy. Nhận định thiếu thực tế về tình trạng bản thân có thể dẫn đến những thói quen không tích cực như ăn uống không lành mạnh, lạm dụng rượu bia thuốc lá, không thắt dây an toàn trên ô tô. Tuy vậy, thiên kiến này khá “dễ chịu” vì nó tạo ra hi vọng và động lực cho con người theo đuổi mục tiêu và xây dựng tương lai. Thiên kiến không phải lúc nào cũng đóng vai phản diện đúng không nào.
“Thiên kiến mà biết nói năng…”#
Hẳn nó sẽ thốt lên “Ai cho tao lương thiện…”
TKNT không tự sinh ra và tự mất đi. TKNT vẫn ở đó, chừng nào bạn còn suy nghĩ. Việc phủ nhận sự tồn tại của TKNT chẳng làm cho bạn trở nên lý trí hơn, nó chỉ càng thể hiện bạn đã bị TKNT xâm chiếm hoàn toàn 😈 Mặc dù TKNT nhận thức còn xuất hiện ở các loài động vật khác, nhưng chúng là một trong những yếu tố giúp con người trở nên “người” hơn: chúng tham gia hình thành nên quan điểm, tính cách, cảm xúc, giúp mỗi con người trở nên đặc biệt và duy nhất. Vì thế, hãy nhớ mặt đặt tên cho những người bạn này, để sống chung với chúng. Việc biết đến sự tồn tại của TKNT giúp bạn điều chỉnh suy nghĩ trong những hoàn cảnh thuận lợi mà chúng phát huy: chẳng hạn khi đàm phán hãy là người ra giá trước tiên, khi nói chuyện với một bạn gái xinh đẹp lộng lẫy, bình tình thôi, đừng để hào quang làm lóa mắt bạn. Hay mặc dù người viết rất vui khi biết bạn đã đọc đến đây, nhưng đừng tin vào những gì đã đọc, bởi dù đã dựa trên nhiều tài liệu khác nhau, người viết cũng đã đưa quan điểm cá nhân vào từng câu chữ. “Hắn đâu có lựa chọn nào khác.”, TKNT của người viết nhấn mạnh điều đó!
Tham khảo#
- Interaction Design: Cognitive biases
- Conceptually: Cognitive biases
- Verywellmind: 10 Cognitive biases that distort your thinking
- Wikipedia: Cognitive bias
* Cover Photo by Isi Parente on Unsplash